Thủy đậu (Trái rạ)

Thủy đậu là gì?

Thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) là một bệnh lý khá phổ biến, gây ra bởi Varicella-Zoster virus với biểu hiện chính là phát ban ở da. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là đối với trẻ em. Mùa xuân, khi độ ẩm không khí cao, cũng là thời điểm bệnh thủy đậu bùng phát mạnh mẽ nhất. 

Người chưa tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc thủy đậu sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao khi tiếp xúc với nguồn bệnh, cụ thể là tiếp xúc với các giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi, hoặc chạm vào các dịch tiết từ nốt thủy đậu của người bệnh.

Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, có thể gây nguy hiểm hoặc dị tật cho thai nhi.

 

Triệu chứng bệnh thủy đậu

  • Giai đoạn ủ bệnh: Thường từ 10 -12 ngày. Giai đoạn này chưa có bất kỳ dấu hiệu nào.
  • Giai đoạn khởi phát: Biểu hiện của người bệnh là sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu. Trong vòng 24 – 48 giờ đầu, cơ thể bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban nhỏ, đường kính vài milimet. Có một số trường hợp viêm họng, và nổi hạch sau tai.
  • Giai đoạn toàn phát: Người bệnh sẽ có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, đau cơ, đau đầu. Các nốt ban đỏ sẽ chuyển thành các nốt bỏng nước hình tròn, đường kính 1-3 mm, và gây ngứa rát, khó chịu. Sau đó, các mụn nước này sẽ lây lan, và xuất hiện khắp cơ thể, thậm chí còn xuất hiện ở niêm mạc miệng, gây khó khăn cho việc ăn uống. Khi bị nhiễm trùng, các nốt mụn nước sẽ phát triển kích thước lớn hơn, đồng thời dịch bện trong màu đục cho chứa mủ.
  • Giai đoạn hồi phục: 7 – 10 ngày sau khi phát bệnh. Đây là giai đoạn các nốt thủy đậu sẽ tự vỡ, khô lại, và dần bong vảy. Cần hết sức cẩn thận trong việc vệ sinh các nốt thủy đậu để tránh nhiễm trùng, gây sẹo lõm, hoặc biến chứng có thể xảy ra. Đồng thời, cần sử dụng các loại thuốc trị sẹo, sẹo thâm .

Biến chứng của bệnh thủy đậu:

Thủy đậu thường lành tính, và tự khỏi sau một khoảng thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể có biến chứng nặng nếu không điều trị đúng cách. 

Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu:

  • Các vết mụn nước sau khi vỡ gây nhiễm trùng, lở loét, hoặc chảy máu bên trong, nhất là đối với trẻ nhỏ (do dùng tay gãi, chạm… vào mụn nước).
  • Viêm phổi: thường xảy ra ở người trưởng thành, nhất là thai phụ. Biến chứng này có thể xảy ra sau khi bắt đầu phát ban 3-5 ngày, triệu chứng là ho ra máu, ho nhiều, tức ngực, khó thở, suy hô hấp.
  • Phụ nữ mang thai: nếu bị thủy đậu 5 ngày trước khi sinh hoặc 2 ngày sau sinh, thủy đậu có thể lây nhiễm từ mẹ sang con, di chứng nặng là bé bị khuyết tật hoặc tử vong.
  • Một số biến chứng khác: Viêm thận, viêm cầu thận cấp, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm khớp, tổn thương giác mạc, viêm cơ tim, viêm gan,….

Điều trị bệnh thủy đậu: 

Thủy đậu là bệnh lành tính, có thể điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ, nhưng hiện nay chưa có thuốc đặc trị, chỉ có các loại thuốc hỗ trợ, điều trị bệnh. Tuy nhiên, cần đến gặp bác sĩ ngay khi có biến chứng nguy hiểm để có phác đồ điều trị hiệu quả.

Dùng thuốc điều trị (theo chỉ định của bác sĩ):

  • Thường được điều trị bằng các loại thuốc kháng virus, vitamin, thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau,… (xin ý kiến bác sĩ loại thuốc nào điều trị phù hợp người lớn và trẻ em).
  • Các loại thuốc như valacyclovir, famciclovir, hoặc acyclovir cho những người có nguy cơ mắc bệnh từ trung bình đến nặng.
  • Đối với phụ nữ mang thai, có thể uống acyclovir hoặc valacyclovir, khi bệnh thủy đậu diễn tiến nặng, Acyclovir tiêm tĩnh mạch được chỉ định để giảm nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi.
  • Dùng thuốc tím để bôi lên các mụn nước hình thành trên cơ thể để kháng viêm, và ngừa sẹo.
  • Không được bôi thuốc mỡ Tetaxilin, Penixilin hoặc thuốc đỏ lên mụn nước đã bị vỡ, chỉ có thể dùng dung dịch xanh Methylen.
  • Không dùng kem trị ngứa chứa Phenol ở phụ nữ mang thai, và trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Lưu ý khi điều trị thủy đậu:

Chế độ sinh hoạt:

  • Vệ sinh thân thể sạch sẽ, dùng nước ấm để tắm rửa nhẹ nhàng, không dùng nước quá nóng hoặc lạnh.
  • Tránh ra gió nhiều, mặc quần áo rộng, bằng vải mềm tránh làm vỡ các mụn nước, gây ngứa và nhiễm trùng.
  • Cắt móng tay thường xuyên, vệ sinh tai mũi họng, răng miệng bằng nước muối sinh lý, giữ da khô, sạch, tránh gây vỡ mụn nước.
  • Không gãi, cào cấu vào mụn nước nhằm tránh lây lan bởi dịch tiết. 
  • Phòng bệnh phải thoáng khí, tránh gió lùa.
  • Chủ động cách ly để tránh bệnh lây lan.
  • Cần đưa ngay người bệnh đến Bệnh viện/ Cơ sở Y Tế uy tín nếu xuất hiện các biến chứng nặng.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, giàu chất dinh dưỡng: nui, trứng, cháo đậu xanh, cháo gạo lứt, đậu đen, củ cải trắng, cà rốt, bí đao, khoai tây, khổ qua, rau bồ ngót, rau dền,….Ngoài ra, cần ăn các loại thực phẩm nhiều Vitamin C để tăng sức đề kháng, thúc đẩy quá trình sản sinh collagen, ngăn ngừa sẹo: cà chua, chanh, ổi, cam , bơ, dưa leo,….
  • Không nên ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, nóng,: hành tây, ớt, mù tạt, gừng, tỏi, trái vải,…., không ăn các loại thịt quá nhiều đạm: thịt gà, ngỗng, dê, sò, cua, ốc,….

Phòng ngừa thủy đậu:

Để phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất là tiêm vaccine. Nhất là đối với trẻ em, cần được tiêm chủng đầy đủ.

  • Mũi 1: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi.
  • Mũi 2: Trẻ từ 1 – 13 tuổi, tiêm cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng. Đối với trẻ trên 13 tuổi hoặc người lớn: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
  • Nếu đã tiếp xúc với người bệnh mà chưa tiêm ngừa vaccine, cần tiêm ngừa trong vòng 3 ngày sau đó.
  • Không chạm vào các nốt mụn nước, hay sử dung chung vật dụng cá nhân của người bệnh.
  • Cần cách ly người bệnh để tránh lây lan cộng đồng.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *