RẠN DA 

RẠN DA 

Rạn da là gì?

Rạn da là một dạng sẹo hình vân hoặc vết lõm xuất hiện trên bề mặt da, hình thành khi da bị co giãn nhanh, gây đứt gãy các cấu trúc nâng đỡ da là collagen và elastin, thường xuất hiện ở các vị trí như mông, đùi, bụng, ngực, cánh tay….Các vết rạn không gây đau rát, nhưng ảnh hưởng nhiều đến yếu tố thẩm mỹ, khiến bạn mất tự tin.

Nguyên nhân rạn da:

  • Mang thai: Khi mang thai, các vùng da ở bụng, đùi , mông, ngực thường tăng nhanh về kích thước, dẫn đến hình thành các vết nứt, rạn, sậm màu.
  • Tuổi dậy thì: Khi bước vào tuổi dậy thì, do sự tăng trưởng và phát triển nhanh chóng của cơ thể, khiến chiều cao, cân nặng tăng đột ngột trong thời gian ngắn, dẫn đến tình trạng da bị kéo giãn, rạn, nứt.
  • Tập thể dục nặng: Sự gia tăng nhanh về khối lượng cơ bắp ở các vùng ngực, bắp đùi, vai,…khi luyện tập thể lực với cường độ cao khiến da bị căng, dễ bị rạn nứt.
  • Tăng cân nhanh: cân nặng tăng nhanh không thể kiểm soát là nguyên nhân dẫn đến hình thành các vết rạn ở da.
  • Sử dụng hóa chất: các thành phần hóa học có trong một số loại thuốc, hóa chất hay corticoid có thể làm rối loạn quá trình tổng hợp collagen ở da, gây nên tình trạng rạn da. 

Rạn da biểu hiện như thế nào

  • Ban đầu là đường đỏ tím nổi lên trên bề mặt da, có thể ngứa nhẹ, gọi là rạn da đỏ.
  • Theo thời gian, tổn thương nhạt màu dần, trở nên lõm và tạo các nếp gấp nhẹ lên bề mặt da, gọi là rạn da trắng.
  • Kích thước có thể từ vài mm đến vài cm.
  • Vị trí: thường ở những vị trí tăng kích thước nhanh như bụng, ngực, mông, vai, đùi.
  • Vết rạn da bệnh lý do corticoid thường toàn thân và lớn hơn bình thường.

Phương pháp đều trị rạn da:

  • Sử dụng nguyên liệu tự nhiên: Điều trị rạn da bằng các nguyên liệu tự nhiên có chứa nhiều vitamin A, B, C, E giúp dưỡng ẩm và tái tạo da, làm mờ vết rạn như: lòng trắng trứng gà, dầu dừa, chanh, mật ong, nha đam, nghệ tươi…. Nên thoa đều và massage hàng ngày ở vùng da bị tổn thương để đẩy nhanh quá trình phục hồi da. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng tốt đối với các vết rạn mới hình thành, còn đối với các vết rạn lâu năm thì khó đạt hiệu quả mong muốn.
  • Điều trị thuốc thoa tại chỗ (thuốc kê toa):
  • Tretinoin 0.1% giảm độ dài và rộng của vết rạn, thoa 1 lần / ngày trong 3 tháng
  • Tretinoin 0.05%, glycolic acid 20%, L-ascorbic acid 20% cải thiện vết rạn nhưng chậm hơn (ít nhất 12 tuần)
  • Điều trị bằng laser ánh sáng:
  • Fractional laser: gồm Er:Glass và CO2, tác dụng tốt trong rạn da trắng, Erbium ít tác dụng phụ hơn CO2
  • Laser Nd:YAG xung dài, năng lượng thấp trong rạn da trắng, và năng lượng cao hơn đáp ứng tốt rạn da đỏ

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *